Vợ chồng dìu nhau bán vé số!

Thứ Bảy, 25/05/2013 - 17:15
 Bà bị tai biến tám năm, bao nhiêu tiền của, tài sản dành dụm được ông đều đổ vào để lo thuốc thang cho bà. Bây giờ, ngày ngày ông lại dìu bà đến đại lý lấy vé số đi bán dạo kiếm tiền chi tiêu và lo thuốc thang cho vợ.

Ông Duy dìu bà Huyền đi từng bước một trong cái nắng chói chang để bán vé dạo. Ảnh: LÊ PHI
Ông Duy dìu bà Huyền đi từng bước một trong cái nắng chói chang để bán vé dạo

Ngoài trời nắng 40oC. Bên bờ sông Hàn, người già mắc võng, trải chiếu dưới bóng cây để hóng mát còn đám thanh niên thì tìm cách hạ nhiệt với sinh tố, nước mía, cà phê đen đá Sài Gòn… Mặt trời chưa đứng bóng mà các con đường đã vắng ngắt người qua lại. Trong lúc mọi người tụ tập trốn nắng thì ông Trương Minh Duy (61 tuổi, trú xã IaLe, huyện Chư Pưh, Gia Lai) lại dìu vợ là bà Phan Thị Thanh Huyền ra đường trong cái nắng như đổ lửa để bán vé số mưu sinh. Từ Tây Nguyên xa xôi xuống Đà Nẵng, ông chỉ mong kiếm đủ tiền để chi tiêu hằng ngày và chữa bệnh cho vợ.

Dìu vợ đi kiếm kế sinh nhai

Ông Duy dìu vợ từng bước một đến nép bên cây đa ven lề đường Ngô Gia Tự để trốn nắng. Cầm tập vé số, ông vẫy tay qua đường rồi chạy vội vào quán nước mời khách. Miệng thì mời khách nhưng thỉnh thoảng ông lại liếc nhìn bà đang cầm gậy bốn chân đứng run bần bật chờ chồng bên kia đường. Nắng nóng, dây thần kinh kéo miệng bà méo xệch, nói không nên lời. Nhét vội tờ tiền của vị khách vừa mua vé số vào túi quần, ông Duy chạy nhanh ra với vợ. Ông đỡ lấy tay bà rồi dìu bà đi những bước khó nhọc.

“Khi di chuyển thì tui với bà ấy nhích từng bước một nhưng lúc vào mời khách thì tui lại chạy. Lắm lúc luống cuống té trầy đầu gối” - ông kể. Ông nói năm nào ông cũng phải đưa bà xuống Đà Nẵng để chữa bệnh và phục hồi chức năng. Thời gian ông bà sống và trị bệnh ở Đà Nẵng còn nhiều hơn ở quê. Tiền bạc không có nên ông bà dắt nhau đến đại lý lấy vé số đi bán dạo kiếm tiền chi tiêu và thuốc thang cho bà. Ông bảo hai vợ chồng phải đi cùng nhau chứ để một mình bà ở nhà trọ lỡ có chuyện gì lại chạy về không kịp.

“Tui thử để bà ấy ở nhà mấy lần rồi nhưng bà ấy lại ngã. Không có ai chăm nên phải mang bà ấy theo. Bác sĩ cũng bảo nếu chịu khó tập đi lại, vận động thì bà ấy sẽ khỏe lên. Thấy bà ấy nhấc chân lên được rồi bước từng bước một là tui mừng lắm. Nhưng có bà ấy đi cùng thì tui lại bán được ít hơn vì cả ngày chỉ quẩn quanh mấy con đường trung tâm” - ông Duy nói.

Tình yêu của người chồng

Mặt đường nóng ran, ông Duy lại dìu bà Huyền vào vỉa hè ngồi lấy sức. Gió hắt hơi nóng từ mặt đường xộc lên làm khuôn mặt ông đỏ rần. Ông cầm khăn lau mặt cho vợ rồi tự lau cho mình. Bà Huyền nhìn ông rưng rưng nước mắt. Không chỉ lau mồ hôi cho vợ trong giờ nghỉ ngơi bên lề đường mà hằng ngày ông còn tắm táp, gội đầu và bón từng muỗng cơm cho bà.

Ông Duy nói: “Hạnh phúc của tui là được chăm sóc cho vợ mình. Lúc bà ấy khỏe mạnh thì lo chăm con chiều chồng, chẳng lúc nào thảnh thơi. Mình đau ốm, một tay bà ấy chăm sóc, giờ bà ấy đổ bệnh mình cũng phải chăm sóc chu đáo mới đúng đạo vợ chồng. Con chăm cha không bằng bà chăm ông mà”.

Ông Duy kể, quê ông ở Phú Vang (Thừa Thiên-Huế). Khi có chính sách kêu gọi thanh niên đi làm kinh tế mới, ông xung phong lên Tây Nguyên khai hoang vỡ đất. Còn bà Huyền là thanh niên xung phong lên Gia Lai làm y sĩ ở Trạm Y tế xã IaLe. Bà gặp ông Duy lúc ông đã chia tay người vợ đầu. Năm 1981, ông bà về sống với nhau và có bốn người con.

Con cái lớn khôn và có gia đình riêng. Đất đai rộng, vườn tược nhiều nhưng ở tận rừng rú xa xôi nên ông bà phải tự làm lụng. Năm 2005, bà Huyền đổ bệnh nằm liệt giường sau một cơn tai biến. Bao nhiêu tiền bạc tích cóp được, ông gom hết để đưa vợ xuống Đà Nẵng chữa bệnh nhưng chẳng thấm tháp vào đâu. Tiền hết mà bệnh của vợ vẫn không thấy tiến triển, ông Duy cắn răng bán hết tài sản, nương rẫy. Sau mấy năm chữa trị, tài sản của ông bà lại về con số không.

“Bệnh của bà ấy phải kiên trì điều trị. Mỗi đợt điều trị tốn kém lắm. Trị liệu, thuốc thang, ăn ở, tàu xe năm này qua năm khác tiền núi cũng hết. Còn con cái cũng khó khăn lắm, chẳng nhờ cậy được gì nhiều. Tui và bà ấy giấu bọn nó để đi bán vé số chứ bấu víu bọn nó sao được. Để đỡ tốn kém, vợ chồng tui ở ngay tại phòng trọ của đại lý vé số. Lâu lâu hai vợ chồng lại về Gia Lai để con cái khỏi lo lắng” - ông Duy buồn rầu nói.

Được biết mỗi ngày may mắn lắm hai ông bà mới kiếm được 100.000 đồng nhưng những lúc bà Huyền mệt không đi được thì ông bà chẳng kiếm được đồng nào. Ông Duy bảo dù cực khổ đến đâu ông cũng chịu được, miễn là sức khỏe của bà có hy vọng phục hồi.

(Theo Xã Luận)

Vợ chồng dìu nhau bán vé số!

Vợ chồng dìu nhau bán vé số!

Gửi bình luận
Football  Chọn Avatar
Họ tên (bắt buộc)
Email (bắt buộc)
Tiêu đề (bắt buộc)
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. Chúng tôi có thể sẽ biên tập lại nội dung phản hồi của quý vị để phù hợp với tiêu chí chung của xổ số trực tiếp.
:) :( ;) :D ;;) >:D< :-/ :x :"> :P :* =(( :O X-( :> B-) :-S #:-S >:) :(( :)) :| /:) =)) O:-) :-B =; I-| 8-| L-) :-& :-$ [-( :O) 8-} <:-P (:| =P~ :-? #-o =D> :-SS @-) :^o :-w :-< >:P
Gửi bình luận
Các bài đã đăng